ANDERSEN CHĂM CHỈ HỌC TẬP

05:00, 09/11/2021 194
ANDERSEN CHĂM CHỈ HỌC TẬP

ANDERSEN CHĂM CHỈ HỌC TẬP

Tác giả: TRƯƠNG CẦN

Trích: Việc Học Không Hề Đáng Sợ; Dịch giả: Bích Phương; NXB Dân Trí.

---o0o---

Ngày 2 tháng 4 năm 1805, Andersen chào đời ở thành phố cổ Odense của Đan Mạch. Cha của Andersen làm thợ giày, còn mẹ thì giặt là. Cả gia đình sống chen chúc trong một căn phòng nhỏ vừa ẩm thấp vừa chật chội, cuộc sống nghèo khó.

Cha rất yêu thương ông, thường xuyên dành thời gian cho ông, nên Andersen cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Người thợ giày say mê văn học này thường kể cho con trai nghe câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” và đọc kịch bản hài kịch của nhà biên kịch Đan Mạch Holborn hay mẩu kịch ngắn của Shakespeare. Cha đã gieo cho Andersen tình yêu nồng nhiệt đối với văn học. Nhưng vị thần số phận lại cướp mất người cha thân yêu vào năm Andersen mười một tuổi, khiến gia đình ông lâm vào cảnh khốn cùng.

Sau khi cha qua đời, cả gia đình Andersen đành sống nhờ vào nguồn thu nhập từ công việc giặt là của mẹ. Nước sông Odense vào mùa đông lạnh cóng nhưng mẹ ông vẫn phải đi giặt quần áo thuê. Chứng kiến gió thổi tóc mẹ bay, nước lạnh cóng làm đôi tay mẹ đỏ rực, Andersen cảm thấy rất đau lòng.

Cuộc sống khó khăn buộc mẹ ông phải tái giá, cha dượng không thích ông, ông đành phải làm bạn với đồ chơi vì quá cô đơn. Ông lấy vải vụn may thành nhiều quần áo với thân phận khác nhau cho búp bê, để thể hiện thế giới mà ông hiểu. Vì tương lai của con trai, mẹ ông đã nghĩ cách cho con đi học với hi vọng sau khi biết chữ, ông sẽ học cắt may. Nhưng Andersen không muốn trở thành thợ may.

Về sau, ông tìm được công việc tạp vụ cho nhà hát hoàng gia. Cho dù thế nào cũng là mối duyên với nghệ thuật. Ông vừa làm việc chân tay, vừa tìm cơ hội nghiền ngẫm các vở kịch được trình diễn, làm quen với nghệ thuật chính kịch. Ông vừa làm việc vừa dành thời gian viết kịch bản “Alfsol”, thế là một tạp chí đã để ý đến kịch bản này và cho dùng một phân đoạn. Đạo diễn nhà hát hoàng gia Colin nhìn thấy tài năng của cậu thiếu niên nghèo Andersen, nên yêu cầu nhà hát trích một số tiền cho Andersen đi học chuyên sâu.

Ở trường, Andersen đã học chăm chỉ như một người “đói” kiến thức. Có thời gian rảnh, ông liền đến thư viện trường để đọc các tác phẩm của nhà văn nổi tiếng như Goethe, Schiller, Heine, Byron... Nhưng hiệu trưởng là một người nhỏ mọn, hắn coi thường những học sinh nghèo, càng coi thường tác phẩm viết theo lối văn nói của Andersen, nên liên tục khiêu khích, chỉ trích và châm biếm ông.

Andersen thuê một căn gác nhỏ, ngày đêm miệt mài sáng tác. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, nhiều tờ báo và tạp chí văn học nổi tiếng ở Copenhagen liên tục đăng thơ và tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng của ông. Những tác phẩm này nhận được đông đảo lời bình tốt. Dần dần, các nhà xuất bản cũng chủ động tìm tới ông, đề nghị xuất bản tác phẩm của ông. Bộ hài kịch mới của ông cũng được biểu diễn ở nhà hát hoàng gia.

Andersen đã khắc phục gian khổ bằng nghị lực phi thường, cuối cùng leo lên đỉnh cao của văn học.

Bài học trưởng thành

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, giáo dục ban đầu của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý giáo dục con từ nhỏ, đừng nghĩ con còn nhỏ mà chưa cần dạy bảo. Trên bước đường tìm kiếm ước mơ có thể sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng xin đừng từ bỏ nó, hãy không ngừng cố gắng để thực hiện ước mơ đó, chắc chắn sẽ có ngày bạn gặt hái được thành công.

CTV: Thanh Lam


Bình luận