VINH QUANG VÀ MẶT TRÁI CỦA DANH VỌNG

05:10, 09/05/2022 154
VINH QUANG VÀ MẶT TRÁI CỦA DANH VỌNG

VINH QUANG VÀ MẶT TRÁI CỦA DANH VỌNG
Biên soạn: Ramus Hoài Nam
Trích: Marie Curie - Nhà nữ khoa học kiệt xuất; NXB:Thanh Niên.
---o0o---

Trong khi cả thế giới ngưỡng mộ vợ chồng bác học Marie và Pierre, thì ngay trên đất nước mà hai nhà khoa học đã sống những năm tháng gian khổ nhất của cuộc đời để cống hiến trọn vẹn cho khoa học lại không có sự nhìn nhận thích đáng. Các giải thưởng như Planté, La Caze, Gegner, Osiris không giúp họ có một phòng thí nghiệm rộng rãi và hiện đại hơn. Và Pierre cũng chưa được nhận vị trí giáo sư đại học. Thật bất công biết bao khi trường đại học đầu tiên nhìn nhận tài năng của ông bà Curie không phải một trường của Pháp, mà lại là Đại học Geneva ở Thụy Sỹ. Và nước mang đến vinh quang sớm nhất cho họ lại là nước Anh.


Tháng Sáu năm 1903, Hội Hoàng gia Anh chính thức mời Pierre sang thuyết trình về radium. Nhà vật lý nhận lời và cùng với Marie sang Luân Đôn.
Sức khỏe của Pierre giảm sút nhanh chóng. Thậm chí, ngay trước buổi thuyết trình, ông yếu đến mức việc mặc quần áo cũng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, một khi bắt đầu nói, ông như được hồi sinh. Vì vậy, buổi thuyết trình. đã thành công tốt đẹp.


Giới khoa học Anh tiếp đón vợ chồng nhà Curie rất niềm nở. Tại đây, họ đã gặp gỡ những nhà khoa học tài năng nhất nước Anh như ngài William Crookes, Nam tước Rayleigh, ngài Oliver Lodge, Ray Lankester và Nam tước Kelvin. Hai vợ chồng đã nói chuyện thân mật với Nam tước Kelvin - một nhà vật lý danh tiếng. Pierre còn tặng cho Nam tước một chiếc lọ thủy tinh, bên trong đựng một ít radium. Món quà khiến ông vô cùng thích thú.


Sau buổi thuyết trình, cả thủ đô nước Anh háo hức muốn được gặp gỡ hai nhà khoa học. Khắp nơi mời họ tham dự các buổi đón tiếp long trọng. Pierre và Marie không quen với danh vọng, họ đã quen với những khó khăn, vất vả tại nhà xe dột nát. Vì vậy, trước sự ngưỡng mộ của công chúng, họ đâm ra ngại ngùng, họ thấy buổi đón tiếp này không phải dành cho họ, mà như dành cho một người nào khác. Cùng với những lời chúc mừng, ca tụng, người ta kinh ngạc khi thấy Marie mặc một chiếc áo sẫm màu, kín đáo đến nghiêm nghị, hai bàn tay sứt sẹo vì axit, thậm chí chiếc nhẫn cưới cũng không có. Bà hoàn toàn  khác lạ với những quý bà ăn mặc diêm dúa, đeo đeo những đồ trang sức đắt tiền đang ngồi xung quanh.


Vài ngày sau, họ trở lại Paris, về với cái nhà xe cũ kỹ, để lại trong giới khoa học Anh sự khâm phục sâu sắc


Tháng Mười Một năm 1903, hai vợ chồng vui khi nhận được thông báo rằng Hội Hoàng gia Anh quyết định tặng Marie và Pierre huân chương Davy vì các nghiên cứu của họ về radium. Đây là một trong những huân chương cao quý của Hội Hoàng gia Anh và được trao tặng hàng năm cho các khám phá quan trọng nhất trong lĩnh vực hóa học.


Pierre đi dự lễ tặng thưởng một mình vì Marie không khỏe. Anh mang về nhà một tấm huân chương. Sau nhiều lần thất lạc, rồi lại tìm thấy, cuối cùng, họ đã trao nó cho đứa bé sáu tuổi làm đồ chơi. Bé Irène rất thích cái “đồng xu to” này và thường chơi với nó một cách say mê.
Vinh quang tiếp tục đến với hai nhà khoa học. Giữa tháng Mư

ời Một năm 1903, Charles Aurivillius, thư ký của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, gửi thư thông báo họ và Henri Becquerel cùng nhận giải thưởng Nobel về Vật lý. Aurivillius mời họ đến Stockholm để nhận giải và thuyết trình về công trình nghiên cứu của mình. Ngày nay, giải thưởng Nobel là phần thưởng danh giá nhất mà một nhà khoa học nhận được. Tuy nhiên, năm 1903 mới là năm thứ ba giải thưởng được trao nên nó chưa có uy tín như hiện tại. Trong khi đó, thư thông báo gửi hai vợ chồng nhà Curie không hề viết rằng nhà vua của Thụy Điển sẽ đích thân trao giải thưởng, cũng như người được trao giải sẽ nhận được một số tiền lớn (tương đương với nửa triệu đô la Mỹ ngày nay). Vì vậy, Pierre đã gửi thư cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, giải thích rằng họ không thể tới vì bà Curie không khỏe, cũng như cả hai người đều bận giảng dạy. Tháng Mười Hai năm 1903, giải thưởng Nobel Vật lý được công bố rộng rãi. Marie Curie trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Nobel danh giá.
Pierre và Marie rất vui mừng khi thấy phát hiện của mình đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá đúng mức. Những người thân cũng chia vui với hai vợ chồng. Điều này làm họ rất cảm động. Số tiền được nhận từ một nửa giải Nobel năm ấy đã đến thật đúng lúc, giúp cho gánh nặng tài chính của gia đình Curie được vơi bớt.


Trong cuốn sổ chi tiêu những ngày này, Marie ghi thêm một số khoản phát sinh ngoài dự kiến như tiền gửi vợ chồng chị Bronia mở nhà điều dưỡng, quà tặng và tiền cho gia đình anh Jacques của Pierre vay, tiền giúp một số học sinh nghèo Ba Lan, tiền giúp đỡ một người học sinh ở Sèvres đang gặp túng thiếu, giúp đỡ anh em lao công ở phòng thí nghiệm... Marie, người luôn hiểu rõ nỗi nhớ cố hương, còn hỗ trợ để một người bạn Pháp lấy chồng Ba Lan có tiền quay về thăm Pháp. Tất cả những nay của Marie chỉ nằm trong cuốn sổ chi tiêu của gia đình. Không một ai biết những việc làm kín đáo, thầm lặng, nhưng chứa chan lòng nhân ái của bà.


Bà rộng rãi, hào hiệp với mọi người như thế, còn với bản thân mình? Ngôi nhà ở đại lộ Kellerman được lại một chút cho đỡ tồi tàn, bà thiết tha đề nghị chồng nghỉ dạy ở trường Vật lý và Hóa học Công nghiệp để giữ sức khỏe, tập trung vào nghiên cứu. Trong khi đó, Marie vẫn tiếp tục dạy ở Sèvres, bà nói rằng vì mến học trò và thấy mình còn đủ sức. Bà không sắm sửa một thứ gì cho riêng mình, thậm chí chỉ là thay chiếc mũ đội đầu đã bạc màu.
Sau khi đạt giải thưởng Nobel, hai nhà khoa học nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Điều đó không khiến vợ chồng Curie vui mừng, mà ngược lại gây cho họ khá nhiều phiền toái. Vốn là những người yêu thích thôn quê, cũng như sự yên tĩnh, nay cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì có quá nhiều người biết đến tên tuổi và sự nghiệp của họ. Hằng ngày, ông bà thường xuyên nhận được những lời mời đi thuyết trình, giấy mời dự một buổi hội họp nào đó, rồi hàng ngàn lá thư của những người hâm mộ cứ tới tấp bay đến. Như vậy đã đủ mệt rồi. Nhưng điều làm họ bực bội hơn cả là bị các nhà báo săn lùng. Ngoài những câu hỏi về radium, các nhà báo còn tò mò muốn tìm hiểu mọi thứ về hai vợ chồng nhà khoa học, đặc biệt là Marie, cũng như công việc và cuộc sống hằng ngày của họ. Cái nhà xe dột nát mà Marie và Pierre muốn được tập trung làm việc này cũng bị các nhà báo thường xuyên lui tới. Ngay cả con mèo nằm trên cái bếp lò cũ kỹ ở căn nhà trên đại lộ Kellerman hay bé Irene đang được cô bảo mẫu bón cho ăn cũng được lên mặt báo. Các nhà báo cố công ca tụng đôi vợ chồng thiên tài, nhưng có cuộc sống khốn khó, vất vả. Các phóng viên không biết rằng chính họ đã tước đoạt của Marie và Pierre những thứ quý giá nhất mà ông bà muốn giữ. Đó là sự tĩnh tâm và yên bình.


Cả hai vợ chồng Curie đều có chung một quan điểm là không ham mê tiền tài, danh vọng. Họ thấy việc nổi tiếng này như một tai họa, họ thật sự đau khổ. Cuộc sống giản dị, chuyên tâm cống hiến cho khoa học của hai người bị xáo trộn hoàn toàn và Marie than thở một cách vô vọng rằng không biết đến bao giờ mới quay lại được như trước.

                                                                                                                                                                           CTV:Công Hiếu


Bình luận